Những công nghệ ô tô nổi bật nhất năm 2017 - phần 1
Năm 2017 ghi nhận rất nhiều thành tựu phát triển về công nghệ kỹ thuật trong lĩnh vực ô tô. Cùng Xedoisong.vn điểm lại những công nghệ nổi bật.
Với sự tiến bộ và phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật, ngành công nghiệp sản xuất ô tô cũng ghi nhận nhiều thành tựu nổi bật cũng như nhiều ý tưởng mới để ứng dụng trên xe hơi. Những tiến bộ này khiến xe hơi ngày càng thông minh hơn, an toàn hơn, tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện môi trường hơn. Hãy cùng xedoisong.vn nhìn lại những công nghệ nổi bật của ngành ô tô thế giới trong năm 2017 vừa qua.
Xe điện
Khi nguồn nguyên liệu trên thế giới, đặc biệt dầu mỏ ngày càng khan hiếm thì xu hướng tất yếu của các hãng xe hơi chuyển dần sang sản xuất xe điện, xe hybrid. Theo nhiều ghi chép, chiếc xe điện đầu tiên được phát minh năm 1834 bởi ông Robert Anderson, một doanh nhân người Scotland. Trải qua nhiều giai đoạn thịnh hành cuối thế kỷ 19, rồi sụt giảm bị khai tử và lại tái sinh, xe điện lại một lần cho thấy xu thế tất yếu trong ngành sản xuất ô tô của tương lai.
Bằng chứng cho thấy, trong năm 2017 hàng loạt những ông lớn trong ngành sản xuất ô tô đã bỏ tiền “tấn” để phát triển xe điện thông qua việc đầu tư cho những nhà máy sản xuất pin, ắc quy phục vụ cho xe điện và xe hybrid.
Tập đoàn Daimler AG đầu tư 10 tỷ Euro chỉ để phát triển các dòng xe điện.
Theo tập đoàn Daimler AG (công ty mẹ của Mercedes-Benz AG) công ty đang đầu tư hơn 10 tỷ Euro chỉ riêng vào việc phát triển các dòng xe điện. Mục tiêu, đến năm 2022, công ty sẽ đưa hơn 10 mẫu xe điện khác nhau ra thị trường và sẽ bổ sung phiên bản xe điện cho tất cả các dòng sản phẩm của Mercedes-Benz để khách hàng lựa chọn, với tổng cộng lên tới 50 mẫu xe”. Hiện tại, các mẫu xe điện nổi bật của tập đoàn Daimler AG như: chiếc Smart Fortwo Cabrio thế hệ mới hay dòng xe tải điện FUSO eCanter vừa trình làng hồi tháng 11 tại Mỹ, trở thành chiếc xe tải đầu tiên trên thế giới sử dụng động cơ hoàn toàn bằng điện.
Chiếc xe tải FUSO eCanter - xe tải điện đầu tiên trên thế giới.
Xe tải FUSO eCanter sử dụng hệ động lực điện của eCanter gồm 6 bộ pin nguồn lithium-ion điện áp cao và mỗi bộ pin có dung lượng 13,8kWh. Xe có tầm hoạt động 100km cho mỗi lần sạc đầy điện và tải trọng lên tới 3,5 tấn – tùy theo kiểu thân xe và cách sử dụng.
"Ông lớn" khác là tập đoàn BMW cũng vừa công bố kế hoạch đầu tư 200 triệu euro thành lập một trung tâm nghiên cứu, sản xuất pin nhiên liệu mới tại Munich, Đức. Như đã biết, pin nhiên liệu có thể xem là giá trị cốt lỗi của một chiếc xe điện. Vì pin nhiên liệu sẽ quyết định quãng đường đi được hay tầm hoạt động của xe điện khi sạc đầy. Dung lượng pin nhiên liệu càng lớn, xe càng đi được xa.
Tập đoàn BMW đầu tư 200 triệu Euro thành lập trung tâm nghiên cứu, sản xuất pin nhiên liệu.
Nhắc đến xe điện, không thể không nhắc đến thương hiệu nổi tiếng Tesla mà mới đây nhất hãng đã vừa công bố một mẫu xe điện thể thao có tên Tesla Roadster. Xe sở hữu 3 động cơ điện, cho phạm vi hoạt động 1.000 km cho một lần sạc. Theo nhà sản xuất, Tesla Roadster có khả năng tăng tốc từ 0 đến 100 km/h chỉ trong 1,9 giây, nhanh nhất thế giới và đạt tốc độ tối đa 402km/h. Xe có giá bán dự kiến 200.000 USD, đến tay người dùng vào năm 2020.
Theo nhà sản xuất, Tesla Roadster có khả năng tăng tốc từ 0 đến 100 km/h chỉ trong 1,9 giây và tốc độ tối đa 402 km/h.
Bên cạnh việc tuyên bố về kế hoạch sẽ chỉ sản xuất xe có động cơ lai xăng - điện hoặc thuần điện kể từ năm 2019, thương hiệu Volvo còn tạo nên bất ngờ khi kết hợp cùng Zhejiang Geely Holding - công ty mẹ tại Trung Quốc đầu tư 760 triệu USD để xây dựng một thương hiệu xe điện hiệu suất hoàn toàn mới có tên Polestar. Theo kế hoạch, Volvo sẽ ra mắt 4 mẫu xe hoàn toàn mới ra mắt trong 3 năm kế tiếp, từ nay đến 2020. Trong đó, mẫu xe đầu tiên chiếc Polestar 1 là dòng coupe hybrid sạc điện (PHEV) thừa hưởng phong cách thiết kế của mẫu sedan hạng sang Volvo S90.
Thương hiệu xe điện hiệu năng cao Polestar của Volvo và Zhejiang Geely Holding nhằm cạnh tranh với Tesla.
Ngoài ra, trong lĩnh việc xe điện còn có sự tham gia của nhiều ông lớn với các dòng xe phổ thông khác như : BMW i3, Hyundai Ioniq, Volkswagen e-Golf, Chevrolet Bolt, Nissan Leaf, Ford Focus Electric hay Kia Soul EV...
Và hàng loạt công ty khởi nghiệp "start-up" cũng thể hiện những tham vọng to lớn trong lĩnh vực xe điện, góp phần tạo nên bức tranh phát triển xe chạy điện chưa bao giờ rầm rộ như năm 2017.
Rất nhiều hãng xe hơi đang tham gia "cuộc đua" sản xuất xe điện.
Xe Hybrid
Nếu như trong lĩnh vực xe điện, thương hiệu Tesla vẫn đang là một cái tên đình đám với nhiều bước đi tiên phong, thì ở mảng công nghệ xe Hybrid, tập đoàn Toyota phải được nhắc đến đầu tiên trong danh sách. Bản thân thương hiệu xe sang của Toyota là Lexus đã rất thành công trước đó với những mẫu xe sang sử dụng công nghệ Hybrid được bán ra khắp thế giới, trong đó có thị trường Việt Nam.
Công nghệ Multi-Stage Hybrid - một công nghệ về xe Hybrid mới nhất của Lexus.
Trong năm 2017, Lexus tiếp tục ghi dấu ấn mạnh mẽ trong lĩnh vực hybrid với việc giới thiệu công nghệ Multi-Stage Hybrid - một công nghệ mới nhất được Lexus lần đầu tiên trang bị cho hai dòng xe là sedan LS 500h 2018 và chiếc coupe LC500h 2018. Với công nghệ mới Multi-Stage Hybrid mang đến khả năng vận hành linh hoạt, từ dải tốc độ cao với khả năng tăng tốc ấn tượng, phản hồi nhanh nhạy, mà vẫn đảm bảo hiệu suất tiêu thụ nhiên liệu tối ưu và sự êm ái yên tĩnh ở dải tốc độ thấp hơn của Lexus Hybrid.
Công nghệ Multi-Stage Hybrid đã áp dụng sedan LS 500h 2018 và chiếc coupe LC500h 2018.
Hệ thống Multi-Stage Hybrid là thế hệ thứ sáu của công nghệ hybrid xe (HV) của Lexus. Cụm hệ thống này là hoàn toàn mới, từ động cơ, hộp số và cụm truyền động Hybrid (gồm bộ truyền hành tinh, bộ đổi điện, ắc quy HV).
Hệ thống phân chia công suất Power Split Device trên Multi-Stage Hybrid mới khá hoàn thiện. Với hai động cơ điện, hộp số tự động hoàn toàn mới và bộ phân chia công suất điều kiển bằng điện với 4 dải tốc độ tự động. Đặc biệt, hệ thống này còn có khả năng mô phỏng hộp số 10 cấp số ảo. Điều này cho phép chiếc sedan Lexus LS500h 2018 có thể đạt tốc độ 140 km/h từ sức kéo của 2 động cơ điện mà hoàn toàn không cần động cơ xăng làm việc.
Dòng Panamera 2018 của Porsche có đến 6 phiên bản xe Hybrid.
Nếu như công nghệ Hybrid của Lexus chú trọng đến khả năng vận hành êm ái, mượt mà đặc trưng của dòng xe hạng sang thì thương hiệu xe thể thao sang trọng đến từ Đức – Porsche lại quan tâm đến hiệu suất vận hành, khả năng tăng tốc của xe, kể cả đó là dòng xe Hybrid.
Trong năm 2017, Porsche cũng đã giới thiệu các phiên bản E-Hybrid để bán song song với biến thể thông thường, gồm: Panamera 4 E-Hybrid, Panamera 4 E-Hybrid Executive, Panamera 4 E-Hybrid Sport Turismo, Panamera S E-Hybrid, Panamera S E-Hybrid Executive, Panamera S E-Hybrid Sport Turismo.
Chiếc Porsche Panamera phiên bản Turbo S E-Hybrid Sport 2018 có tổng công suất lên đến 680 mã lực.
Trong đó, bản cao cấp nhất của dòng Panamera là phiên bản Turbo S E-Hybrid Sport Turismo sở hữu động cơ tăng áp kép V8 4.0 lít sản sinh công suất 542 mã lực, kết hợp cùng một động cơ điện công suất 100 kW (khoảng 136 mã lực). Tổng công suất chiếc Porsche Panamera S E-Hybrid Sport Turismo lên đến 680 mã lực, cho khả năng tăng tốc từ 0 - 100 km/h trong 3,4 giây và tốc độ tối đa 310 km/h. Theo công bố nhà sản xuất, mức tiêu hao nhiên liệu mẫu xe này khá thấp khoảng 3,0 lít/100 km, lượng phát thải CO2 69g/km, tiêu thụ điện 17,6 kWh/100km.
Ngoài ra, ở phân khúc xe bình dân cũng có nhiều hãng xe đã cung cấp những phiên bản xe Hybrid như: Toyota Prius, Toyota Yaris, Toyota Avalon Hybrid 2017, Toyota Camry Hybrid 2018, BMW i3, Audi A3 e-tron, Volkswagen Passat GTE, Volkswagen Golf GTE, Chevrolet Bolt 2017, Chevrolet Malibu Hybrid 2018, Chevrolet Volt 2017, Honda Accord Hybrid 2017, Hyundai Ioniq 2017, Hyundai- Sonata Hybrid 2017, Mitsubishi Outlander PHEV...
Hầu hết các thương hiệu ô tô trên thế giới đều đã sản xuất xe phiên bản Hybrid.
Trong đó, hãng Toyota đã rất tích cực phát triển những dòng xe Hybrid của mình từ rất sớm, chiếc Toyota Prius được xe là một trong những dòng xe Hybrid thương mại đầu tiên trên thế giới của hãng năm 1997. Sau gần 20 năm kể từ lần đầu ra mắt, Toyota Prius được đánh giá là mẫu xe Hybrid thành công nhất trong phân khúc. Theo báo cáo doanh số của tập đoàn Toyota, tính riêng giai đoạn từ 2011- 2016 đã có hơn 2 triệu chiếc Toyota Pirus được bán ra, góp phần đáng kể vào thành công của Toyota trong phân khúc xe Hybrid. Cũng theo tập đoàn Toyota (TMC), doanh số cộng dồn các dòng xe hybrid từ năm 1997 tính đến ngày 31/1/2017 vượt mốc 10 triệu chiếc.
Tính đến ngày 31/1/2017, Toyota đã bán hơn 10 triệu chiếc xe hybird trên toàn cầu (kể cả doanh số xe hybird của Lexus).
Hiện tại, những dòng xe Hybrid của Toyota và các hãng khác chưa phổ biến ở nước ta. Năm 2017, Toyota Việt Nam cũng đã triển khai một số hoạt động nhằm đưa dòng xe hybrid đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước. Ở khía cạnh khác, khi nhắc đến dòng xe Hybrid tại thị trường trong nước thì không thể không nhắc đến chiếc BMW i8 từng một thời “rất hot”, với số lượng hàng chục chiếc được đưa về nước thông qua cách nhà nhập khẩu chỉ trong thời gian ngắn.
Công nghệ xe tự lái tiếp tục thăng hoa
Một lĩnh vực khác cũng đang được các nhà sản xuất ô tô quan tâm là xe tự lái (Autonomos Vehicles hay Self-Driving Cars). Trong lĩnh vực xe tự lái, người ta chia ra làm 5 cấp độ, định nghĩa này được hiệp hội kỹ sư xe hơi (SAE) đưa ra năm 2014. Sự cạnh tranh trong lĩnh xe tự lái đang nóng dần lên khi hàng loạt các “ông lớn” trong lĩnh vực ô tô tham gia nghiên cứu và phát triển, có thể kể đến như: Tesla (tất cả mẫu xe), Audi A8 2018, Mercedes-Benz S-Class, Volvo XC90, BMW 750i cùng rất nhiều mẫu xe concept của các hãng xe khác.
Theo hãng Tesla, chức năng tự lái Autopilot đã trang bị trên chiếc Tesla Model X kể từ năm 2015 với những tính năng phòng tránh va chạm, tự động phanh, tự động đỗ xe đã nhận được rất nhiều ý kiến tích cực của các chuyên gia và khách hàng. Hệ thống tự lái Autopilot tích hợp trong các xe hơi của hãng có thể định hướng trên cao tốc và trong bãi đỗ xe. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nhiều ý kiến khách hàng phản ánh tính năng này gây nguy hiểm cho người sử dụng. Tháng 10 năm 2016, Tesla đã nâng phần cứng mới trên tất cả các mẫu xe của hãng nhằm hỗ trợ hệ thống tự lái, với tên mới là Enhanced Autopilot.
Hãng Tesla đang nâng cấp và hoàn thiện tính năng Autopilot.
Cũng trong thời điểm này, CEO của Tesla là Elon Musk đã tuyên bố rằng đến cuối năm 2017, xe hơi của hãng có thể đạt cấp độ cao nhất (level 5) và có thể tự lái từ Los Angeles đến New York mà không cần bất kỳ sự trợ giúp nào của con người. Tuy nhiên, tuyên bố này đã không thành sự thật và Elon Musk nhận rất nhiều chỉ trích sau đó.
Không giống như Tesla, ba hãng xe khác gồm Audi, Mercedes-Benz và Volvo đang âm thầm phát triển công nghệ tự lái, cho riêng mình. Các hãng này cũng đã áp dụng trên dòng xe thương mại. Đối với Volvo, họ đã trang bị tính năng tự động lái Pilot Assit với chức năng giữ làn đường, tích hợp những cảnh báo va chạm. Tính năng này được trang bị lần đầu trên chiếc Volvo XC90 2016.
Tính năng tự động lái Pilot Assit II (thế hệ thứ 2) đã được Volvo trang bị cho các dòng xe của mình.
Hiện nay, tính năng tự động lái Pilot Assit II (thế hệ thứ 2) đã được hãng trang bị cho các dòng xe như: Volvo XC90 2017, Volvo S90 2017 và Volvo V90 2017. Với Pilot Assit II cho phép xe giữ làn đường ở tốc độ định sẵn và khoảng cách (hoặc khoảng thời gian) tới phương tiện trực tiếp trước mặt. Tốc độ tối đa cho phép các tự động lái Pilot Assit II lên đến 80 dặm/giờ (129 km/h).
Nổi bật nhất trong năm 2017, có thể nói công nghệ tự lái “Audi AI Traffic Jam Pilot” của chiếc Audi A8 2018. Mẫu Audi A8 2018 là chiếc xe đầu tiên trên thế giới được bị hệ thống tự lái đạt cấp độ SAE 3. Hãng xe Audi đã phát triển và áp dụng thành công trí tuệ nhân tạo AI trên chiếc Audi A8 với khả năng tự lái trong điều kiện giao thông ùn tắc và khi chạy chậm ở tốc độ dưới 60 km/h. Công nghệ này có tên “Audi AI Traffic Jam Pilot”.
Mẫu Audi A8 2018 là chiếc xe đầu tiên trên thế giới được bị hệ thống tự lái đạt cấp độ SAE 3.
Theo đó, khi xảy ra ùn tắc, kẹt xe phía trước thì người lái xe chỉ cần kích hoạt phím chức năng “hỗ trợ lái xe khi tắc đường” của Audi AI trên bàn điều khiển trung tâm, thì có thể rời chân ga và tay ra khỏi tay lái và thư giãn. Khi kích hoạt phím chức năng “hỗ trợ lái xe khi tắc đường” thì một camera kiểm tra xem người lái xe có chuẩn bị để tiếp tục công việc lái xe nếu cần thiết. Camera này phân tích vị trí và chuyển động của đầu và mắt để tạo ra dữ liệu cho robot AI phân tích. Nếu mắt của lái xe vẫn nhắm trong một khoảng thời gian dài, hệ thống sẽ nhắc người lái xe tiếp tục công việc lái xe.
Khi tốc độ vượt quá 60 km/h hoặc giao thông phía trước đã thông thoáng, Audi AI sẽ thông báo cho người lái biết là họ cần tiếp tục lái xe. Trong trường hợp hệ thống cảnh báo bằng hình ảnh, âm thanh mà người lái xe bỏ qua nhắc nhở này hệ thống tự động kích hoạt sẽ bật chức năng tự động phanh và bật đèn khẩn cấp. Xe tự động giảm tốc bật ưu tiên và tấp vào trong làn đường và dừng lại hẳn đảm bảo tính an toàn.
Như vậy, công nghệ tự lái ở cấp độ 3 (SAE 3) trên chiếc Audi A8 2018 đã cho thấy, khả năng tự lái hoàn toàn trên xe hơi chỉ còn là vấn đề thời gian mà Audi và các hãng khác đang chạy đua nghiên cứu và áp dụng cho dòng xe thương mại.
(Còn tiếp)
(Theo Nghe nhìn Việt Nam)
Từ lâu bồn tắm nằm massage đã được biết đến như một phương pháp trị liệu tốt nhất cho sức khỏe của con người giúp điều trị chứng phong hàn, giảm căng thẳng, mệt mỏi.
Trả lờiXóa