Những công nghệ an toàn nào được trang bị trên ô tô hiện đại
Việc lái xe ngày nay đã trở nên nhàn rỗi và an toàn hơn nhờ những công nghệ hiện đại mà các hãng xe áp dụng lên sản phẩm của mình.
Ôtô ngày nay không đơn thuần chỉ là một cỗ máy với 4 bánh xe, nó còn là một cuộc đua về công nghệ và trang bị giữa các hãng với nhau. Khác hẳn với những chiếc xe cách đây 50 năm, ôtô hiện tại được trang bị hàng loạt công nghệ hiện đại hỗ trợ người lái.
Một số người cho rằng ôtô có quá nhiều công nghệ sẽ làm mất đi cảm giác khi lái xe, tuy nhiên không thể phủ nhận được những lợi ích mà nó mang lại. Dưới đây là 6 công nghệ an toàn hàng đầu trên các mẫu ôtô ngày nay.
1. Kiểm soát hành trình thích ứng
Hệ thống kiểm soát hành trình (Cruise Control) xuất hiện lần đầu tiên vào cuối thập niên 40 của thế kỷ trước. Hệ thống này có chức năng tương đối đơn giản, người lái lựa chọn tốc độ mong muốn và xe sẽ di chuyển đều ở tốc độ đó cho đến khi người lái hủy lệnh bằng phím nhấn hoặc đạp phanh.
Hệ thống kiểm soát hành trình thích ứng sẽ thay đổi tốc độ theo phương tiện di chuyển phía trước. Ảnh: Entrophy Store.
Tuy nhiên hệ thống kiểm soát hành trình chỉ phát huy tác dụng khi chạy trên đường cao tốc, nó không giúp ích nhiều ở điều kiện giao thông đông đúc. Đến năm 1999, hệ thống kiểm soát hành trình thích ứng (Adaptive Cruise Control) xuất hiện và giải quyết được những nhược điểm mà kiểm soát hành trình cơ bản không làm được. Hệ thống này sử dụng các cảm biến gắn phía trước xe để điều chỉnh tốc độ dựa theo xe phía trước nhưng không vượt quá tốc độ giới hạn mà người lái thiết lập.
2. Camera 360 độ
Một quy định liên bang tại Mỹ yêu cầu tất cả ôtô bán ra tại quốc gia này phải được trang bị camera phía sau, điều này nhằm giảm rủi ro va chạm với người đi bộ khi tài xế lùi xe. Để an toàn hơn, chủ xe có thể lắp đặt bộ camera 360 độ giúp quan sát xung quanh dễ dàng, trang bị này khá hữu ích khi điều khiển xe trong những khu vực có không gian nhỏ.
Tại thị trường Việt Nam, hầu hết xe có giá bán khoảng 1 tỷ đồng đều được lắp sẵn hệ thống camera 360 độ. Đối với những xe không trang bị sẵn, chủ nhân có thể lắp thêm bộ camera này với chi phí dao động 6-20 triệu đồng.
3. Hỗ trợ đỗ xe
Đây là một trang bị hữu ích với những người chưa có kinh nghiệm lái xe, đặc biệt khi phải đỗ xe song song hoặc ở các khu vực hẹp. Hệ thống hỗ trợ đỗ xe sử dụng camera và các cảm biến xung quanh để tự động đưa xe vào vị trí cần đỗ.
Người lái không nên tin tưởng tuyệt đối các hệ thống hỗ trợ trên xe. Ảnh: Carscoops.
Để kích hoạt tính năng này, người lái chỉ cần nhấn nút kích hoạt và chạy xe đến khu vực cần đỗ. Hệ thống sẽ tự động đánh lái và di chuyển vào khu vực đã chọn. Cần lưu ý, đây chỉ là tính năng hỗ trợ, người lái vẫn phải quan sát và chân luôn để sẵn ở bàn đạp phanh phòng trường hợp xảy ra sự cố.
4. Camera nhìn ban đêm
Camera nhìn ban đêm không chỉ xuất hiện trên những mẫu xe quân sự hay trong phim viễn tưởng, nhiều mẫu xe cao cấp ngày nay cũng được trang bị sẵn hệ thống này. Camera nhìn ban đêm giúp phát hiện dễ dàng hơn các vật thể xuất hiện trên đường như người đi bộ hay động vật, điều này cho phép người lái có thêm thời gian xử lý.
Có 2 loại camera nhìn ban đêm trên ôtô là thụ động và chủ động. Ảnh: Car Magazine.
Có 2 loại camera nhìn ban đêm trên ôtô là thụ động và chủ động. Loại thụ động sử dụng camera nhiệt để phát hiện ra con người hoặc động vật, trong khi loại bị động sử dụng tia hồng ngoại để chiếu sáng. Hiện tại chỉ có các dòng xe cao cấp của Mercedes-Benz, BMW, Cadillac... được trang bị camera nhìn ban đêm.
5. Cảnh báo buồn ngủ
Mệt mỏi khi lái xe là một trong những nguyên nhân hàng đầu trong các vụ tai nạn ôtô trên toàn cầu. Đây cũng là lý do chính thúc đẩy sự ra đời của hệ thống cảnh báo khi phát hiện người lái mệt mỏi, buồn ngủ.
Mệt mỏi là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra tai nạn mỗi năm. Ảnh: Auto Futures.
Hệ thống cảnh báo buồn ngủ sử dụng camera và cảm biến hướng vào người lái để giám sát các chi tiết như vị trí ngồi của người lái, vị trí mí mắt... Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thu thập những thông tin này và phân tích để nhận ra các dấu hiệu của sự mệt mỏi. Từ đó đưa ra các cảnh báo thông qua âm thanh hoặc hành động như rung ghế.
6. Cảnh báo va chạm
Hệ thống này có nhiệm vụ đánh giá tình hình giao thông xung quanh xe và cảnh báo người lái trong trường hợp có nguy cơ xảy ra va chạm với phương tiện khác. Trong trường hợp cần thiết, hệ thống cảnh báo va chạm sẽ chủ động can thiệp vào hệ thống phanh trước khi người lái đạp phanh.
Hệ thống cảnh báo va chạm giúp giảm thiểu nguy cơ xảy ra va chạm nhờ sử dụng các cảm biến gắn phía trước xe. Ảnh: Lexus Europe.
Đây là một tính năng an toàn được khá nhiều người khen ngợi, tuy nhiên nó cũng tồn tại một vài nhược điểm như phát ra tín hiệu cảnh báo quá sớm hay tự động phanh trong trường hợp chưa thật sự cần thiết.
Nguồn: zing.vn
Post a Comment